Quảng bá điểm đến du lịch Lạng Sơn tại Huế
VHO – Chiều ngày 24.3, tại Thành phố Huế, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức quảng bá điểm đến du lịch Lạng Sơn 2025 với chủ đề “Ai lên xứ Lạng cùng anh”.

Đây là hoạt động được tổ chức nhân Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025, nhằm quảng bá tiềm năng lợi thế, lan tỏa hình ảnh du lịch của xứ Lạng, kết nối các đơn vị, doanh nghiệp cùng “bắt tay” phát triển du lịch Lạng Sơn.
Ngoài hệ thống giao thông khá thuận lợi, có các cửa khẩu quốc tế, Lạng Sơn còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, núi Tô Thị, ải Chi Lăng, công viên địa chất Lạng Sơn…
Ông Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Năm 2024, Lạng Sơn đã đón hơn 4,2 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế ước đạt 142.500 lượt, khách nội địa đạt hơn 4,07 triệu lượt. Du lịch Lạng Sơn đã có bước phát triển cả về lượng khách, doanh thu và phát triển các sản phẩm du lịch.

Tỉnh Lạng Sơn đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, huy động được nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch, trong đó có những “ông lớn” như: Sun group, Vingroup, Sovico…
Sản phẩm du lịch phát triển với một số loại hình du lịch đặc trưng và có sức cạnh tranh cao như: du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng…
Đặc biệt, phát triển du lịch biên giới giữa tỉnh Lạng Sơn – Việt Nam và tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc có những biến chuyển tích cực.
Tại chương trình quảng bá, tỉnh Lạng Sơn đã giới thiệu những điểm đến du lịch, các tour tuyến gắn với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian, ẩm thực… đậm chất văn hóa của vùng núi Đông Bắc.

Các doanh nghiệp lữ hành ở Huế và các địa phương lân cận cũng đã có những trao đổi, đóng góp các ý kiến về việc kết nối và khai thác điểm đến, định hướng phát triển sản phẩm du lịch ở Lạng Sơn.
Năm 2025, Lạng Sơn đặt mục tiêu trở thành một trong những trọng điểm du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức cạnh tranh. Đến 2030, du lịch sẽ đóng góp 10% vào GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Thời gian tới, nhằm khai thác các lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, tỉnh tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.
“Lạng Sơn mong muốn cùng cộng đồng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong cả nước chung tay để du lịch phát triển mạnh mẽ” – lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.